Năm cậu 13 tuổi, gia đình cậu lúc đó khá nghèo và khó khăn, 4 anh chị em phải sống dựa vào đồng lương eo hẹp mà người cha kiếm được nhưng cũng chẳng đủ để trả sinh hoạt phí. Cả gia đình cậu phải sống trong một khu ổ chuột tồi tàn ở Brooklyn.
Một hôm, cha cậu bé đưa cho cậu một chiếc áo cũ sờn rồi hỏi:
“Con nghĩ chiếc áo này đáng giá bao nhiêu tiền?”
“Khoảng 1 USD thưa cha”.
“Con có thể bán nó với giá 2 USD không?”, người cha dùng ánh mắt khẩn khoản hỏi cậu bé.
“Con nghĩ chẳng ai bỏ tiền mua chiếc áo này đâu, trừ khi đó là một kẻ ngốc”, cậu bé trả lời.
“Sao con không thử xem? Con biết không, gia đình mình đang gặp khó khăn”, người cha lại nhìn con với ánh mắt chân thành.
Cậu bé gật đầu đồng ý để cha vui lòng. Cậu bé đem chiếc áo đi giặt rất cẩn thận, vì không có bàn là nên cậu dùng bàn chải để giặt áo tránh bị nhăn.
Sáng hôm sau, cậu bé đem chiếc áo đến một ga tàu điện ngầm. Sau 6 tiếng chào mời người mua hàng, cuối cùng cậu bé cũng bán được chiếc áo với giá 2 USD. Cậu bé rất vui mừng và nghĩ rằng mình có thể tiếp tục làm công việc này để giúp đỡ gia đình.
Những ngày sau đó, cậu đều đi tìm quần áo cũ ở đống đồ bỏ đi trong thành phố mang về nhà giặt sạch rồi đem đi bán, tích cóp từng đồng một đưa cho cha. Cứ như vậy, công việc này kéo dài được hơn chục ngày.
Một hôm khác, cha cậu bé lại đưa cho cậu một chiếc áo cũ khác:
“Con có thể bán chiếc áo này với giá 20 USD không?”
“Con nghĩ là con không thể thưa cha. Một chiếc áo cũ làm gì có giá trị cao như vậy được, cùng lắm là 2 USD.”
“Sao con không thử nghĩ cách xem, nhất định là có cách”, cha cậu bé khích lệ.
Vậy là cậu bé lại suy nghĩ để tìm ra cách bán chiếc áo. Cuối cùng, cậu cũng nghĩ tới người anh họ cậu là một người rất đam mê hội họa, tự học nhưng lại vẽ rất đẹp. Cậu nhờ anh họ của mình vẽ cho cậu một con chim đại bàng và một chú chuột nhắt đáng yêu lên chiếc áo.
Cậu nảy ra ý tưởng sẽ chọn một ngôi trường có nhiều học sinh là con nhà giàu theo học ở đó. Nghĩ là làm luôn, cậu đứng ở cổng trường chào mời người mua. Vừa mới chào mời một lúc, liền có người đến mua chiếc áo mà không mảy may suy nghĩ với giá 20 USD, thậm chí còn bo thêm cho cậu 5 USD vì chiếc áo đó rất đẹp.
Số tiền này có thể tương ứng với gần một tháng lương của cha cậu khi ấy. Cậu rất sung sướng và chạy vội về nhà đưa tiền cho cha.
Sau khi về nhà, cha cậu lại đưa cho cậu một chiếc áo khác và nói:
“Con có thể bán chiếc áo này với giá 200 USD được không?”, cha cậu nhìn cậu với một ánh mắt đầy tin tưởng. Khác với những lần trước, cậu không do dự và quả quyết với cha rằng con sẽ bán được, cha cứ tin con.
Sau bao nhiêu ngày chờ đợi thì cuối cùng thì cơ hội cũng đã tới. 2 tháng sau, vì để quảng bá phim, nữ diễn viên chính của bộ phim đang nổi tiếng “Những thiên thần của Charlie” đã đến thành phố cậu bé đang sống.
Buổi họp báo kết thúc, cậu bé mạnh dạn chen lên phía trước, chạy đến bên cạnh nữ diễn viên Farrah Fawcett – Majors, đưa chiếc áo cũ ra rồi xin cô kí tên lên đó. Tất nhiên là cô đồng ý và vui vẻ kí lên áo cho fan hâm mộ. Sau khi kí xong, cậu bé bẽn lẽn hỏi cô:
“Cháu có thể bán chiếc áo này được không ạ?”
“Được chứ, chiếc áo này là của cháu, cháu có quyền bán nó”.
Cậu bé đứng trên bục hô to một tiếng: “Đây là chiếc áo có chữ kí của nữ diễn viên xinh đẹp Farrah Fawcett – Majors, tôi bán giá 200 USD”. Mọi người nháo nhào trả giá và kết quả chung cuộc, chiếc áo được bán với số tiền không tưởng, 1200 USD.
Về đến nhà, cậu ngạc nhiên khi thấy cha mình cùng một người khác đang ở nhà. Cha cậu bé cầm tiền trên tay mà không khỏi cảm động:
“Cha vốn dĩ dự tính, nếu con không bán được, cha sẽ nhờ người mua lại, cha thật không tin được con có thể làm… Cha không muốn con sớm phải tham gia vào việc kiếm tiền, cha chỉ muốn nói với con rằng, một chiếc áo dù cũ dù xấu đến thế nào thì vẫn có cách để làm tăng giá trị của nó. Chúng ta cũng vậy, đói khổ, nghèo rách nhưng không việc gì phải bi quan với cuộc sống con ạ. Hãy cứ vui vẻ lên, cứ yêu đời đi.”
Thật không ngờ, cậu bé ngày ấy sau 20 năm đã trở thành một huyền thoại bóng rổ nổi tiếng nhất thế giới Michael Jordan và là một tỉ phú giàu có.
Cuộc sống không bao giờ có thể hoàn hảo và con người cũng vậy, chẳng có ai là hoàn hảo. Vậy nên, hãy chấp nhận rằng cuộc sống có lúc thăng lúc trầm, mỗi giai đoạn cuộc sống sẽ khiến chúng ta cảm thấy trân trọng hơn việc được sống, được sinh ra trên thế giới này. Cuộc sống khó khăn nhưng không có nghĩa là cuộc sống toàn màu xám, cuộc sống vẫn có thể có màu hồng tùy theo cách nhìn của mỗi người. Nhà giáo dục Charles R. Swindoll đã nói: Cuộc sống là 10% những gì xảy đến với bạn và 90% còn lại là cách bạn phản ứng. Có nhiều người đổ lỗi cho số phận nên mình không có được cuộc sống hoàn hảo, thế nhưng họ đâu biết rằng cuộc sống chỉ có 10% những gì ta không thể kiểm soát và có tới 90% do cách suy nghĩ, lối tư duy của bản thân ta.
Bạn thân mến, nếu chúng ta cứ mãi giữ suy nghĩ mình không thể thành công là do hoàn cảnh, do xã hội, do điều kiện gia đình, … bạn sẽ mãi giậm chân tại chỗ và khó lòng tiến về phía trước để hoàn thành những mục tiêu lớn trong cuộc đời. Giá trị và khả năng của bạn lớn hơn rất nhiều so với những gì bạn có, thứ bạn đang cần là một người có thể giúp bạn đánh thức tiềm năng ấy, đánh thức sức mạnh đang giấu mình trong con người bạn.